Tại tỉnh Lạng Sơn, ngày 12/3, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định thành lập 8 chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ngăn chặn, phòng, chống bệnh dich tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Theo đó, nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch là kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh; xử lý các đối tượng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y có thẩm quyền vào địa bàn; phun tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển theo đúng quy định hiện hành.
Cùng với việc thành lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố... có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn hoạt động của các Chốt kiểm dịch; cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc; điều động các lực lượng, chỉ đạo hoạt động của các Chốt kiểm dịch; hàng tuần tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu...
Các chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, được bố trí tại các địa điểm giáp với các tỉnh, Bắc Giang 5 chốt kiểm dịch; Thái Nguyên 2 chốt kiểm dịch và Quảng Ninh 1 chốt kiểm dịch.
Trong khi đó, mặc dù dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Lai Châu đã chủ động ngăn chặn dịch xâm nhiễm.
Hiện nay, số lợn mà tỉnh Lai Châu phải nhập về hàng tháng chiếm tỷ trọng khoảng 30-40% tổng nhu cầu của địa phương, chủ yếu là lợn thương phẩm, được vận chuyển theo đường bộ từ các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình...
Ngoài ra, vẫn còn một lượng lớn nhập vào mà không kiểm soát được do địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều điểm tiếp giáp với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... Mặt khác, Lai Châu còn có 265 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng các cửa khẩu và nhiều lối mòn, lối mở nên rất khó kiểm soát gia súc, gia cầm nhập lậu.
Theo ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, để chủ động phòng chống dịch UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn cũng như biện pháp phòng chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt 6 giải pháp quan trọng: tuyên truyền cho người dân cách nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như cách phòng, chống dịch; thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến đường trọng điểm đi tỉnh Lai Châu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại khu vực của khẩu, lối mở, lối mòn; kiểm tra vệ sinh thú y tại các trại chăn nuôi, các cơ sở vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ; triển khai Tháng tiêu độc khử trùng để góp phần tiêu diệt mầm bệnh; tăng cường khâu giám sát, chủ động theo sát đàn lợn để phát hiện dịch bệnh và xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Duy Sinh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn, Trưởng Chốt kiểm dịch động vật Liên ngành Lai Hà (huyện Nậm Nhùn) cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm từ Điện Biên, tỉnh đã tổ chức, bố trí phân công lực lượng trực 24/24h; phun khử trùng tiêu độc tất cả các phương tiện giao thông (trừ xe máy) từ bên ngoài đi vào địa bàn Lai Châu.
Những phương tiện vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm từ lợn phải được kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch theo đúng quy trình của cơ quan chuyên môn; đồng thời, lập sổ ghi chép thời gian vào - ra địa bàn của các phương tiện này.
Tại địa bàn Hà Nội, chiều 12/3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, lực lượng chức năng trên toàn địa bàn thành phố đã tiến hành tiêu hủy 172 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện 5 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm tránh lây lan trên diện rộng.
Theo đó, đối với 5 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn) đã xảy ra dịch, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn, cùng chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể tham gia phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, đồng thời tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các hộ chăn nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, cụm dân cư; kịp thời xử lý ngay khi có gia súc ốm, chết.
Đáng chú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các ngành liên quan như công an, quản lý thị trường và UBND các quận, huyện kiểm soát các hoạt động kiểm dịch ở các cơ sở giết mổ, quá trình vận chuyển gia súc, nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nhập lậu, nhập lợn không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và các nơi kinh doanh, chế biến thực phẩm; khi phát hiện lợn ốm, chết cần thông báo cho cơ quan thú y trên địa bàn; không vận chuyển lợn hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ lợn mắc bệnh ra vào vùng đang có dịch bệnh.
Đối với tỉnh đang có dịch là Điện Biên, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị chính quyền huyện Tuần Giáo chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, trạm thú y phối hợp với UBND các xã có dịch tổ chức chống dịch, dập dịch đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp xã, tổ (đội) phản ứng nhanh để giúp cơ quan chức năng và người dân kiểm tra, thống kê, phân loại lợn bị bệnh cần tiêu hủy và giúp nhân dân tiêu hủy.
UBND tỉnh đề nghị chính quyền huyện Tuần Giáo tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh trong vùng dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tăng cường kiểm tra các trục đường giao thông chính ra, vào các xã có dịch để kiểm soát người, phương tiện vận chuyển ra vào vùng dịch; nghiêm cấm vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng có dịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất; yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc quán triệt, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền để theo dõi chỉ đạo.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa có dịch, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị này theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các địa phương khác để chủ động thực hiện các biện cấp bách. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch tả lợn châu Phi do lơ là, thiếu trách nhiệm, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và tùy theo mức độ để xem xét hình thức kỷ luật.
Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, do vậy, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn; phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, không sử dụng thực phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuần Giáo đã tiến hành tiêu hủy 35 con lợn mắc bệnh trong vùng ổ dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng hơn 1.000 kg của 17 hộ, thuộc 9 bản của 3 xã Rạng Đông, Mùn Chung, Ta Ma của huyện; trong đó, xã Mùn Chung có số lợn tiêu hủy lớn nhất với 20 con, của 7 hộ thuộc 4 bản.
Tại tỉnh Quảng Ninh, huyện Hải Hà cũng vừa xuất hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi ở một hộ gia đình ở thôn 2, xã Quảng Thịnh. Như vậy, Hải Hà là địa phương thứ hai và là ổ dịch thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tính từ ngày 9/3 đến nay. Trước đó, ổ dịch đầu tiên ở Quảng Ninh xảy ra ở xã Yên Đức (9/3), ổ dịch thứ hai ở xã Bình Dương (11/3) đều của thị xã Đông Triều. Đông Triều ở miền Tây và Hải Hà ở miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, hai địa phương này cách nhau chừng 180 km.
Ngay sau khi có thông tin, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường các vùng chăn nuôi lân cận. Đồng thời, lập các chốt chặn kiểm dịch nhằm giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn, không để bệnh dịch lây lan…Toàn bộ số lợn chết (gồm cả lợn đã chôn) sẽ được lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định.
Nguồn bài viết : Thuật toán bắn cá