Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Diễn đàn.
Tại Phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Bình có bài phát biểu quan trọng về phát triển bền vững và thương mại quốc tế, tham gia đối thoại cấp cao cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á - Âu Tigran Sargsyan, Tổng thống CH Moldova Igor Dodon, Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Anton Siluanov và Phó Thủ tướng Mông Cổ Ulizisaikhan Enkhtuvshin, trực tiếp trao đổi về những vấn đề nổi bật trong quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay.
Trả lời câu hỏi về kết quả xóa đói, giảm nghèo và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, xóa đói, giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc và Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Nhờ đó, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức 5% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980 và vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình kể từ năm 2008.
Trao đổi với các đại biểu tham dự Diễn đàn về căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã phân tích những tác động của căng thẳng thương mại giữa các quốc gia và xu hướng bảo hộ tới nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn. Đồng thời, đồng chí cũng bày tỏ mong muốn tất cả cộng đồng thế giới có trách nhiệm phối hợp giải quyết những căng thẳng thương mại nêu trên sao cho quá trình tự do hóa thương mại, hội nhập và toàn cầu hóa tiếp tục giữ được đà phát triển trong tương lai. Nội dung trao đổi của đồng chí Nguyễn Văn Bình được các đại biểu tham dự Diễn đàn hoan nghênh và Ban Tổ chức Diễn đàn đánh giá cao.
Bên cạnh phiên khai mạc, Đoàn Việt Nam còn tham dự phát biểu và thảo luận tại phiên “Chiến lược cho tương lai của Liên minh kinh tế Á – Âu”, với sự tham gia của Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Anton Siluanov, các Phó Thủ tướng Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, Belarus và lãnh đạo một số tổ chức khu vực và quốc tế.
Trong các hoạt động bên lề Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình và Đoàn đại biểu Đảng ta có các cuộc làm việc với ông Anton Kobyakov, Cố vấn của Tổng thống LB Nga - Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn; Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Nga Zarubeznheft và Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Gazprom.
Theo kế hoạch, chiều 7/6, đồng chí Nguyễn Văn Bình và Đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên toàn thể với sự tham gia của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg là sự kiện đặc biệt được tổ chức từ năm 1997 và được Tổng thống LB Nga bảo trợ từ năm 2006 đến nay. Trong hơn hai thập niên qua, SPIEF đã trở thành một diễn đàn hàng đầu khu vực và thế giới nhằm thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế không chỉ của riêng nước Nga mà còn của toàn thế giới. Diễn đàn cũng là điểm đến để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Với chủ đề "Thiết lập Chương trình nghị sự phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 23 diễn ra từ ngày 6 đến 8/6 với hơn 170 hoạt động, thu hút sự tham gia của hơn 17.000 đại biểu từ các nước trên thế giới gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, giới doanh nhân, các chuyên gia kinh tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới.
Nguồn bài viết : Spribe Điện Tử