Chủ tịch Quốc hội: Tây Ninh cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-24 17:43:00
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 23/7, tại tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47,6 % nghị quyết năm đề ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã đạt được thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ quan trọng nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, có tuyến đường huyết mạch Xuyên Á, là cơ sở kết nối phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Qua nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu và qua theo dõi tình hình Tây Ninh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm cao của Tây Ninh đã tranh thủ được những điều kiện tốt để phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mức tăng GRDP của Tây Ninh 8,5% , cơ cấu nguồn thu của Tây Ninh là hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 của Tây Ninh đã tăng 5 bậc so với năm 2017, được xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội phân tích Tây Ninh có duy nhất núi Bà Đen, còn lại là địa hình bằng phẳng, có Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Hồ Dầu Tiếng, Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Mộc Bài - những tiềm năng phát triển du lịch.

Cùng với đó, Tây Ninh có 23 đồng bào dân tộc anh em - nét đặc thù của một địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú. Ngoài ra, tỉnh còn có 240km đường biên giới.

"Những lợi thế là tiềm lực rất lớn, cần được phát huy tối đa để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức nhất định cho tỉnh Tây Ninh," Chủ tịch Quốc hội nói.

[Chủ tịch Quốc hội dự Lễ an táng hài cốt liệt sỹ tại Tây Ninh]

Theo Chủ tịch Quốc hội, Tây Ninh cần xây dựng và phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu hợp lý.

Tỉnh cần thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất. Những hàng hóa, sản phẩm đang có và đang được thị trường chấp nhận, tỉnh cần duy trì, phát triển hợp lý.

Cho rằng Tây Ninh đã quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đời sống nhân dân cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 2%, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tây Ninh cần bảo đảm trong số hơn 2% hộ nghèo này không có đối tượng chính sách - người có công với cách mạng.

"Chúng ta không để hết nhiệm kỳ này mà người có công với cách mạng có mức sống dưới mức thu nhập trung bình của hộ dân cư nơi cư trú," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đã chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động như tuyên truyền, quán triệt kịp thời các nghị quyết của Trung ương, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quan tâm sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng các nghị quyết của Trung ương. Công tác tổ chức cán bộ cũng được quan tâm, xác định là nhiệm vụ then chốt, nhất là đang chuẩn bị cho công tác quy hoạch, nhân sự cho khóa tới; đồng thời triển khai tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp...

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Đảng bộ tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...

Ghi nhận hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh thời gian qua, theo Chủ tịch Quốc hội, Tây Ninh cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể phải phát huy tốt trách nhiệm, tính năng động, tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, thống nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị; quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết, thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhấn mạnh Tây Ninh có 23 dân tộc anh em, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Tây Ninh cần tiếp tục tập trung chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới...

Tỉnh cần làm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng với công tác quân sự địa phương; giao lưu hợp tác giữa lực lượng quốc phòng an ninh với nước bạn, tạo điều kiện giao lưu nhân dân vùng biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tây Ninh có hồ nước Dầu Tiếng với diện tích mặt hồ 21.000ha, dung tích hữu dụng 2 tỷ mét khối, hồ có chức năng cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tỉnh và các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương. Do đó, tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm giữ rừng đầu nguồn, nguồn nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ.

Tại buổi làm việc, tỉnh đã kiến nghị bổ sung quy hoạch đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát. Tuyến đường này là trục đường Bắc-Nam của tỉnh, kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng, đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trong buổi làm việc tại Tây Ninh năm 2018.

Tuy nhiên, việc lập hồ sơ bổ sung quy hoạch đang gặp vướng mắc. Cụ thể như theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

Đồng thời Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội khóa XIV chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch nói trên đến hết thời kỳ quy hoạch và chỉ được điều chỉnh kéo dài thời hạn quy hoạch trong trường hợp được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hết thời hạn trước khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Theo quy định của Nghị quyết số 74/2018/QH14 nên dự án đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát chưa được bổ sung vào Quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam; trong khi đó quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được xây dựng.

Ủng hộ đề nghị của tỉnh cho bổ sung dự án cao tốc Gò Dầu-Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật Quy hoạch đã có hiệu lực nhưng còn thiếu nghị định của Chính phủ hướng dẫn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bàn về vấn đề này; đang chờ khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trên tinh thần nếu không trái Luật mà giải quyết được khó khăn thì sẽ được xem xét, ban hành.

Về Dự án tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82-Tây Ninh, Chủ tịch Quốc hội tán thành đề nghị của tỉnh. Nhận xét nghĩa trang được thiết kế độc đáo, hài hòa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chú ý đề nghị của tỉnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 hiện có hơn 13.000 liệt sỹ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia vẫn còn tiếp tục, do đó việc tôn tạo, nâng cấp là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ có thông báo cuộc làm việc hôm nay và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82-Tây Ninh tọa lạc tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đã được tỉnh đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 1989.

Với diện tích 26,7 ha, Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 13.976 liệt sỹ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; trong đó có 4.131 hài cốt liệt sỹ được quy tập từ Campuchia về đây an táng từ sau chiến tranh đến nay.

Do công trình đã được xây dựng từ năm 1989, các hạng mục công trình đã xuống cấp, Tây Ninh đã có văn bản xin chủ trương Chính phủ về việc cải tạo nâng cấp thành Nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh đề án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Trang đánh Baccarat

Top