Chiều 21/11, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội và Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ chủ trì hội nghị.
Hơn 1 triệu tài khoản đăng ký iHaNoi
Trình bày tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, tính tới 11/2024, 46/64 nhiệm vụ của Đề án đã hoàn thành; 18 nhiệm vụ còn lại cơ bản đang triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ. Riêng đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 Tổ công tác Chính phủ giao, thành phố đã hoàn thành 12 nhiệm vụ; 1 nhiệm vụ đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện đang triển khai giai đoạn 2; 6 nhiệm vụ đang triển khai (trong đó 3 nhiệm vụ có nguy cơ chưa hoàn thành trong năm 2024).
Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ảnh: T.L). |
Qua hơn 4 tháng triển khai (từ ngày 28/6-31/10), ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi đã thu hút 1.043.724 người dùng đăng ký tài khoản, 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, 14.398 phản ánh, kiến nghị đã được xử lý, chiếm 84,3%. Có 7.194 phản ánh được đánh giá từ người dân, số lượng đánh giá hài lòng và chấp nhận chiếm 55%.
Một điểm nổi bật là việc tích hợp VNeID lên iHanoi, giúp đăng nhập iHanoi bằng tài khoản VNeID. Từ ngày 11/11, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Đây được coi là bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.
TP Hà Nội đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố và là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đã kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố với cơ sở dữ liệu dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân: Đến thời điểm hiện tại đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố.
Tính đến ngày 15/11, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 107.056 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó, qua hệ thống dịch vụ công là 27.102 hồ sơ, qua VNeID: 79.954 hồ sơ. Tỷ lệ đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID chiếm 74,68% tổng số hồ sơ tiếp nhận. |
Đến nay, tổng số hồ sơ đúng đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố liên thông là 4.524.134 hồ sơ. Trong đó, các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thành phố: 1.677.558 hồ sơ; các bệnh viện công lập trực thuộc thành phố: 2.846.576 hồ sơ. Số lượng người dân Thủ đô có Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID là 1.760.822, đạt 25,57%.
Về nhóm phát triển Công dân số, Kinh tế số, Xã hội số, kết quả triển khai thí điểm Học bạ số các trường tiểu học, đạt tỷ lệ 97,6%. Với kết quả này, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai Học bạ số cấp tiểu học.
Tính đến ngày 15/11/2024, theo kết quả báo cáo của các công ty cung ứng dịch vụ, đã có tổng số 360 bãi, điểm trông giữ phương tiện giao thông đang triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt thuộc 17/30 quận, huyện. Trong đó VETC có 186 điểm; Viettel CN Hanoi có 144 điểm; VDTC (thuộc Viettel) có 30 điểm.
Đi đầu trong chuyển đổi số
Đánh giá cao kết quả triển khai của Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ ghi nhận những thành tích đạt trong triển khai thực hiện 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Qua đó mang lại những giá trị thực sự về quyền lợi của người dân, góp phần quan trọng tạo nguồn hứng khởi cho các địa phương khác, đồng thời giúp cho Tổ công tác kiểm chứng được những những việc đã làm và định hướng bước đi cho thời gian tới. Từ đó, từng bước hình thành thói quen cho nhân dân tham gia vào xã hội số.
Chương trình do Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Hà Nội phối hợp tổ chức (Ảnh: T.L). |
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long dẫn chứng những thủ tục hành chính phải thực hiện trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy về giao thông, thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc này cũng cần triển khai sớm nếu không sẽ mất cơ hội toàn cầu hóa.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long lưu ý, các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Với các nhiệm vụ còn dở dang cần gấp rút hoàn thành. Cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất là về mặt nhận thức, đồng chí đề nghị, tăng cường chỉ đạo, thống nhất thực hiện. Người đứng đầu tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Đối với những tồn tại và khó khăn vướng mắc, đã được các bộ trao đổi, đồng chí đề nghị các bộ, ngành cần tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội và quan tâm tháo gỡ.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long bày tỏ tin tưởng, Hà Nội sẽ phát huy những kết quả thành tích đạt được, tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công tác chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thực tế vẫn nhiều nơi chưa thay đổi tư duy thực hiện quy trình phổ thông, gây lãng phí và không hiệu quả, cần chuẩn hóa để phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, đối với 12 nhiệm vụ đã thực hiện được cần lượng hóa cụ thể, còn các nhiệm vụ chưa xong sẽ phải làm quyết liệt hơn để bảo đảm 19 nhiệm vụ phải hoàn thành. |
Nguồn bài viết : CMD Thể Thao