Việt Nam - Điểm đến chắp cánh ước mơ ngành Y cho sinh viên Lào

2025-01-17 19:21:47
Mái ấm Việt của sinh viên Lào
Kết nghĩa bản - bản: nền tảng vun đắp quan hệ bền vững Việt Nam - Lào

Chọn Việt Nam để theo đuổi ước mơ

Chúng tôi gặp Kaensivong Phetsaon (22 tuổi), sinh viên năm 4, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình tại tòa nhà ký túc xá của trường. Căn phòng rộng chừng 30m2, được trang bị tiện ích thiết yếu như giường, nệm, chăn, ga, quạt điện, vệ sinh khép kín. "Phòng ở đây cũng giống như phòng em ở nhà. Chỉ khác biệt là ở cùng các bạn mà thôi!", Kaensivong nói.

Kể về hành trình đến với Việt Nam, Kaensivong cho biết, em đam mê ngành Y từ nhỏ và luôn theo đuổi ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để chăm sóc sức khỏe cho người dân quê mình. Được sự tư vấn từ bố mẹ và các anh chị từng học Y tại Việt Nam, em biết rằng Việt Nam có điều kiện học tập tốt, môi trường thân thiện, thầy cô giáo giỏi về chuyên môn. Những yếu tố đó khiến em quyết định chọn nơi đây là điểm đến để thực hiện ước mơ.

Sinh viên Lào Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình tham gia thực hành khám chữa bệnh với mô hình tại lớp học. (Ảnh: Đặng Tài)

Những ngày đầu mới sang, Kaensivong chưa nói được tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Đó cũng là khoảng thời gian dịch Covid-19 ở Quảng Bình bùng phát mạnh. Dù rất lo lắng vì giãn cách xã hội nhưng chính sự thân thiện, nhiệt tình của các thầy cô đã hỗ trợ tinh thần giúp Kaensivong vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Thầy, cô giáo luôn lo lắng cho chúng em, coi chúng em như con của mình, chăm sóc, hỏi han sức khỏe, quan tâm từng ly, từng tý. Các bạn sinh viên Việt Nam cũng luôn hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Ở Việt Nam chúng em cảm thấy gần gũi như đang ở trên chính quê hương mình”, Kaensivong nói.

Nhìn lại hành trình 4 năm học tại Việt Nam, Kaensivong cho rằng việc theo đuổi ngành Y tại đây là quyết định đúng đắn. Em đã từng so sánh giáo trình Y khoa của Lào, Thái Lan và Việt Nam thì nhận thấy không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, khi theo học ở Việt Nam, thầy cô giảng dạy kỹ lưỡng, đưa ra nhiều ví dụ sát với thực tế giúp sinh viên dễ hiểu, hiểu sâu hơn kiến thức y học. Đặc biệt với sinh viên Lào, giảng viên lại càng hướng dẫn tỉ mỉ hơn.

Giúp sinh viên Lào vững chuyên môn

Cô Lê Thị Minh Toàn, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình cho biết, với sinh viên Lào, nhiều em dù đã theo học một thời gian nhưng vốn tiếng Việt vẫn chưa được thành thạo, đặc biệt là từ ngữ chuyên ngành y học. Đây là cản trở lớn khiến các em tiếp thu kiến thức chậm hơn so với sinh viên Việt Nam. Do đó, cô Toàn cùng các giảng viên trong trường luôn tận tâm trong từng trang giáo án, tìm những cách truyền đạt dễ nghe, dễ hiểu và tạo điều kiện tối đa để các bạn sinh viên Lào tiếp thu kiến thức, kỹ năng, nâng cao chất lượng học tập.

Theo thầy Lê Viết Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, hiện trường có 85 sinh viên người Lào đang theo học. Để các em tiếp thu kiến thức chuyên ngành tốt, nhà trường đã phân công các thầy, cô giáo chủ nhiệm dày dặn kinh nghiệm; tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Lào cho giảng viên phục vụ công tác giảng dạy và quản lý; thành lập các nhóm sinh viên Việt Nam giúp đỡ các bạn sinh viên Lào trong quá trình học tập.

Bên cạnh Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục trên khắp cả nước cũng đã và đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực Y tế có chất lượng cho nước bạn Lào như: Bệnh viện Trung ương Huế; Trường Đại học Y khoa Vinh; Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị… Các cơ sở này đều nỗ lực tìm những cách làm mới nâng cao hiệu quả giảng dạy, đảm bảo các em sinh viên Lào sau khi tốt nghiệp trở về nước phát huy được năng lực, vững về chuyên môn, thông thạo kỹ năng nghề nghiệp, có thể bắt tay ngay vào công tác khám chữa bệnh.

Sinh viên Lào Trường Đại học Y khoa Vinh tham gia thực tập lâm sàng và được theo dõi một cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. (Ảnh: Từ Thành)

Điển hình là Trường Cao đẳng Y tế Sơn La đã thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của các cơ sở y tế Lào về chất lượng làm việc của cán bộ y tế từng học tại nhà trường. Từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp dạy học cũng như việc quản lý hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả hơn. Hay Trường Đại học Y khoa Vinh tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên Lào đều được đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Đây là điều kiện quan trọng để sinh viên Lào sớm thuần thục các kỹ năng, chuyển hóa kiến thức từ lý thuyết sang thực hành.

Với những nỗ lực đó, nhiều thế hệ sinh viên Lào hoàn thành chương trình đào tạo ngành Y tại Việt Nam trở về nước đã phát huy được năng lực, tham gia chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Họ không chỉ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cho nước bạn Lào mà còn là những "hạt nhân" góp phần gắn kết, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Đào Hồng Lan tại Thủ đô Viêng chăn (Lào) ngày 7/8/2024, Bộ trưởng Y tế Lào Bounfeng Phoummalaysith đánh giá cao những thành tựu hợp tác đã đạt được giữa Bộ Y tế hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Theo đó, Việt Nam đã đào tạo cho Lào các ngành đào tạo bậc cao đẳng, gần 10 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, đào tạo 15 chuyên ngành bậc thạc sỹ, 5 chuyên ngành bậc chuyên khoa cấp 1 và chuyên khoa cấp 2, đào tạo tiến sỹ ở nhiều chuyên ngành sâu. Quy mô đào tạo mỗi năm khoảng hơn 600 sinh viên Lào. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam đều được Chính phủ Lào công nhận là bác sĩ chuyên khoa và gần 58% được Chính phủ phân công vào các vị trí quan trọng trong hệ thống y tế công lập.

Theo ông Bounfeng Phoummalaysith, thời gian tới Bộ Y tế Lào có kế hoạch thí điểm giao tự chủ cho một số bệnh viện tại Viêng Chăn. Ông mong muốn có thể cử cán bộ của Lào sang Việt Nam học tập mô hình tự chủ bệnh viện cũng như nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Mái ấm Việt của sinh viên Lào
Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)” tạo nên một mái nhà ấm cúng, giúp các bạn trẻ xa quê tìm thấy sự đồng cảm và yêu thương từ những người mẹ, người cha Việt Nam, khơi dậy tinh thần đoàn kết và hữu nghị giữa ba dân tộc.
Kết nghĩa bản - bản: nền tảng vun đắp quan hệ bền vững Việt Nam - Lào
Kết nghĩa bản - bản đã và đang tạo cầu nối vững chắc, gắn kết lòng dân nơi biên giới Việt - Lào. Nhờ mô hình này, các bản làng hai bên không chỉ bảo vệ biên cương mà còn cùng nhau phát triển kinh tế và xây dựng quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.

Nguồn bài viết : EvoPlay Điện Tử

Top