Thiết kế mới cũng có lúc trở nên bảo thủ
Người ta lại lôi trở lại câu chuyện từ tác giả Walter Isaacson là người chấp bút quyển sách "Tiểu sử Steve Jobs", rằng Jobs đã từng nói "Tim không phải con người của sản phẩm" để từ đó hướng dư luận theo suy nghĩ rằng nhà thiết kế tài danh Jonathan Ive nghỉ việc tại Apple là do Tim Cook.
Cụ thể, câu chuyện được diễn giải rằng Tim Cook từ ngày lên làm CEO đã ít quan tâm đến bộ phận thiết kế như Jobs từng quan tâm. Rằng, Jobs trước đây mỗi ngày đến doanh nghiệp thì bộ phận ông ghé đầu tiên sau văn phòng của mình là bộ phận thiết kế của Jonathan Ive và câu chuyện trao đổi, bàn bạc đến từng tiểu tiết của thiết kế. Còn Tim Cook, vị CEO này chỉ lo đến doanh số, lợi nhuận…
Những kiểu diễn giải như thế e rằng chỉ xuôi theo dòng sự kiện, thông tin, nhiều hơn là có cái nhìn toàn cục.
Ngược dòng thời gian trở về tháng 10/2011, ngay đầu tháng đã xảy ra hai biến cố và sự kiện quan trọng gắn với Apple. Thứ nhất, iPhone 4S ra đời có cấu hình mạnh hơn nhưng thiết kế viền cạnh phẳng không có gì thay đổi so với iPhone 4. Thứ hai, Steve Jobs, người được xem là thiên tài của sáng tạo và thiết kế qua đời.
Năm sau đó và rồi năm sau đó nữa, iPhone 5/5s ra đời khi trào lưu phablet (smartphone màn hình to từ 5 inch trở lên với bề ngang được giãn rộng ra hơn rất nhiều) đã hình thành nhưng Apple vẫn trung thành với mẫu thiết kế Steve Jobs đã chọn. iPhone 5/5s có màn hình bề ngang hẹp và chỉ là sự kéo dài hơn so với hai phiên bản thế hệ trước.
Năm 2012, thế giới smartphone toàn cầu chứng kiến sự vượt lên của Samsung nhờ nhanh nhạy nắm bắt kịp xu thế tiêu dùng smartphone màn hình to của người tiêu dùng. Nhà sản xuất Hàn Quốc này không chỉ "lật đổ" ngôi vương của Nokia mà cũng vượt qua Apple trên thị trường smartphone toàn cầu. Trong hai năm 2012-2013, Apple có nguy cơ ngày càng bị Samsung bỏ xa vì sự bảo thủ về thiết kế được định hướng nặng từ thời Steve Jobs. Không ai dám cãi lời "Thánh Jobs" khi ấy dù ông đã qua đời. Khi ấy dư luận đã đặt câu hỏi thậm chí bức xúc, là vì sao Apple vẫn cứ giữ một thiết kế iPhone đầy bảo thủ về cả kích cỡ và kiểu dáng trong khi thế giới smartphone toàn cầu đã thay đổi rất nhiều?
Tim Cook cần tạo động lực sáng tạo mới
Tim Cook ở vị trí CEO quyền lực tại Apple chỉ thực sự để lại dấu ấn trên sản phẩm từ thế hệ iPhone 6 trở đi khi mở rộng kích cỡ màn hình và ra mắt đến hai phiên bản kích cỡ cho người dùng có cơ hội lựa chọn nhiều hơn. Hẳn điều chỉnh này đã đáp ứng mong đợi của thị trường cho nên kết quả kinh doanh iPhone 6/6s đã tăng trưởng khá tốt.
Tim Cook không phải là con người của sản phẩm – có thể! Thế giới smartphone toàn cầu với thênh thang "thánh đường" đến nay cũng chỉ có thiên tài sản phẩm "Thánh Jobs" được tôn thờ. Tim Cook không thể sánh với Steve Jobs về mặt này. Song Steve Jobs đã chọn Tim Cook kế vị không phải là không có lí do. Chí ít, Tim Cook đã làm tốt về mặt kinh doanh, đưa Apple từ năm 2011 đến 2018 liên tục tăng trưởng và cán mốc công ty đầu tiên có giá trị vốn hóa 1.000 tỉ USD trên thế giới. Lợi nhuận của Apple cũng liên tục tăng không ngừng. Ở mặt này, Tim Cook có lẽ còn hơn hẳn Steve Jobs.
Nhưng chưa hết, Tim Cook có lẽ cũng ít bảo thủ hơn, ít kĩ tính đến nghiệt ngã hơn so với người tiền nhiệm.
Còn về thiết kế, cho dù từ thế hệ iPhone 6 ra mắt ai cũng chê là không đẹp, rằng viền cạnh bo tròn giống như sự lai tạo "một nửa đàn ông là đàn bà"… Chê cứ chê, người mua vẫn cứ mua với cái nick được đóng đinh là những "tín đồ iPhone". Và còn hơn thế nữa, đến một ngày các hãng smartphone còn lại cũng chạy theo kiểu thiết kế viền cạnh bo tròn của iPhone 6, chạy theo cái mà Apple trước đó bị chê tả tơi khi vừa mới ra mắt mẫu thiết kế iPhone thế hệ thứ 6.
Tim Cook không thể sánh với Steve Jobs về mặt cá nhân nhưng về quản trị doanh nghiệp và kinh doanh ông cho thấy hiệu quả hơn, cân bằng hơn, thị trường và các dịch vụ, sản phẩm của Apple cũng liên tục được mở rộng hơn so với trước rất nhiều.
Tất nhiên, Tim Cook vẫn không thoát được sự bảo thủ cố hữu, căn cơ mang thương hiệu Apple. Hai năm trở lại đây, khi các hãng đối thủ từ Samsung tới các thương hiệu smartphone Trung Quốc liên tục nghiên cứu, thử nghiệm các thiết kế mới, chất liệu mới và các công nghệ, tính năng mới để tạo ưu thế riêng thì Apple của Tim Cook lại rất chậm chạp trong việc này. Thị trường smartphone luôn xảy ra sóng gió cạnh tranh sóng sau xô sóng trước và một phút không thay đổi sẽ hóa thụt lùi. Có lẽ, vì lo lắng nhiều hơn về mặt kinh doanh và lợi nhuận để giữ, nâng giá cổ phiếu mà Tim Cook không còn tập trung với mức cần thiết cho bộ phận thiết kế tại Apple vốn là một nơi bất khả xâm phạm, được chiều chuộng và hưởng nhiều đặc ân vào thời Steve Jobs.
Đừng đổ nguyên nhân sự sụt giảm doanh số thời gian qua của iPhone là do thiết kế. Nguyên nhân chính có lẽ bị ảnh hưởng cạnh tranh từ các thương hiệu Trung Quốc mới nổi và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang khiến làn sóng tẩy chay iPhone khởi phát ở Trung Quốc là thị trường luôn đóng góp tỉ lệ 2 con số trong tổng doanh thu của Apple trong nhiều năm qua.
Thế giới smartphone đang có rất nhiều mẫu máy có kiểu dáng hao hao nhau mà rất ít nét riêng chứ không chỉ mỗi iPhone trong tình trạng như vậy. Có lẽ từ sự ra đi của Jonathan Ive, Tim Cook cần lấy đó làm đòn bẩy tạo ra động lực sáng tạo mới cho con thuyền mình đang lèo lái.
Dạ Thảo
Nguồn bài viết : Hội cày game kiếm tiền