Lào Cai tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-18 20:45:34
Những "bóng hồng" khởi nghiệp

Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức tập huấn, triển khai đề án cho cán bộ Hội các cấp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp tại buổi sinh hoạt Hội các cấp cho trên 33.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, xây dựng mô hình điểm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp...

Xã Lùng Vai (Mường Khương) nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống. Một trong những nghề truyền thống được nhiều người biết đến là rượu được nấu bằng men lá của người Dao Tuyển ở thôn Na Lang. Loại rượu này có hương vị thơm ngon đặc biệt do được ủ từ men lá làm từ 9 loại thảo dược thiên nhiên, thu hái ở trên rừng như: Sâm cau, lá ngũ da bì, lá mơ rừng, cây pacu và một số thảo dược quý khác...

Mỗi ngày, gia đình bà Lại Thị Hương, thôn Na Lang, xã Lùng Vai, nấu 30 kg gạo, tương đương 30 lít rượu. Bà Hương cho biết, tuy được học bí quyết nấu rượu từ mẹ chồng, nhưng cách đây 1 năm, khi xã thành lập Hợp tác xã rượu men lá Na Lang, bà mới được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn cách bảo quản rượu và biện pháp đảm bảo an toàn khi nấu rượu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai.

Rượu men lá Na Lang từng có nguy cơ bị mai một do sự xuất hiện của các loại men bán tràn lan trên thị trường. Những năm gần đây, sản phẩm được khôi phục và phát triển khi xã Lùng Vai thành lập Hợp tác xã rượu men lá Na Lang vào đầu năm 2018. Hợp tác xã hiện có 46 hộ tham gia. Đây là mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lùng Vai sáng lập và quản lý.

Bà Trương Kim Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lùng Vai cho biết: Hợp tác xã được thành lập tạo điều kiện quản lý các hộ sản xuất rượu thuận lợi, đưa thương hiệu rượu Na Lang đi xa hơn.

Đầu năm 2018, chị Sùng Thị Lan (xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có ý tưởng thành lập Hợp tác xã chế biến các sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, hương thảo mộc, dược liệu… Điều đặc biệt là các sản phẩm của hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Các nguyên liệu sau sản xuất của công đoạn này có thể trở thành nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác. Đây là ý tưởng được hình thành từ khi chị tham gia một dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa.

Trong 4 tháng thử nghiệm, chị đã làm hỏng trên 500 mét vải lanh, vải bông (ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng). Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chị chùn bước. Trời không phụ người, 4 tháng tiếp theo, chị Lan đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ hấp dẫn.

Sau khi thành công và tìm được đầu ra ổn định, chị nghĩ đến việc tạo việc làm cho chị em địa phương trong thời gian nông nhàn. Với suy nghĩ đó, năm 2018, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp theo đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị đã quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa Sa Pa, tạo việc làm cho 9 lao động (trong đó có 6 chị em thành viên là hộ nghèo, cận nghèo). Bên cạnh việc hướng dẫn chị em thêu may các mặt hàng thổ cẩm, hướng dẫn cách nhuộm vải truyền thống, chị còn hướng dẫn họ làm hương thảo mộc của địa phương với các quy trình sản xuất thủ công truyền thống. Hiện nay, mỗi thành viên trong Hợp tác xã có thu nhập từ 2,5 - 2,7 triệu đồng. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, Hợp tác xã Mường Hoa Sa Pa đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm…

Dự án trồng rau sạch của Tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh tại Km3, xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Ảnh:laocaitv.vn

Đa dạng hoạt động hỗ trợ

Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên các cấp Hội triển khai đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhưng được sự hưởng ứng tích cực từ phía hội viên. Hội đã nhận được 95 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ các huyện, thành phố, thành lập 6 mô hình tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, với 78 hội viên tham gia tại huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai (nâng tổng số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh lên 43 mô hình, 808 hội viên tham gia). Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ “Khởi nghiệp vì cộng đồng”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với 41 thành viên tham gia; 9 doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 600 triệu đồng…

Điểm nhấn quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phụ nữ khởi nghiệp đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ hội viên làm thủ tục về giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng và cấp mã vạch cho các tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hộ kinh doanh như: Giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại cửa hàng Tả Phìn, Tả Van, Nậm Sài (Sa Pa) và cửa hàng chuyên về sản phẩm thổ cẩm tại Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và trên sóng truyền hình cáp Nhật Bản; các sản phẩm thổ cẩm và xà phòng được giới thiệu tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đánh giá lựa chọn doanh nghiệp xã hội, chia sẻ chính sách hỗ trợ vốn vay của các ngân hàng trên địa bàn đối với các doanh nghiệp và nhiều hoạt động thiết thực khác.

Năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã nhận ủy thác cho vay mới trên 211 tỷ đồng, nâng tổng số vốn do Hội nhận ủy thác lên 1.310 tỷ đồng/25.516 hộ đang dư nợ. Các nguồn vốn vay đã mở rộng 678 thôn, bản/142 xã thuộc 9 huyện, thành phố.

Theo bà Thào Thị Tùng, qua kiểm tra cho thấy các nguồn vốn do Hội quản lý được sử dụng đúng mục đích (đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh), tỷ lệ hoàn trả đảm bảo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ trong tỉnh nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế; tiếp tục hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động thiết thực. Hội hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ bằng việc tập huấn, đào tạo nghề, trang bị kiến thức về thành lập, quản trị doanh nghiệp và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hương Thu
Top