Ngày 11/6, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình cho biết, những ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều vật liệu nổ là đạn pháo tồn sót sau chiến tranh (được cho là từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp) do người dân tìm được dưới lòng sông Đà khi mực nước ở hạ lưu xuống thấp.
Trước đó, vào ngày 5/6 và 10/6, khi đi bơi tại khu vực sông Đà thuộc địa phận tổ 6 (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), người dân đã thu nhặt được gần 20 quả đạn pháo, đạn cối 80mm tại lòng sông thuộc khu vực hạ lưu sông Đà.
Sau đó, người dân đã mang giao nộp cho các cơ quan chức năng thành phố.
[Để không còn tai nạn thương tâm từ vũ khí, vật liệu nổ ở vùng quê]
Hiện toàn bộ số vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh mà người dân tìm thấy đã được Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình thu hồi, bảo quản để tiến hành hủy nổ theo quy định.
Trước sự việc trên, Công an thành phố Hòa Bình và Ban Chỉ huy quân sự thành phố đã đề nghị lực lượng chức năng các phường, xã khu vực hạ lưu sông Đà tổ chức tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm để người dân nắm bắt.
Đồng thời, lực lượng chức năng vận động, yêu cầu người dân không tự ý đến gần khu vực nguy hiểm để tìm kiếm các loại vật liệu nổ bán phế liệu; bố trí lực lượng canh gác, không để người dân đến gần khu vực có vật liệu nổ nguy hiểm.
Cùng với đó, Công an thành phố Hòa Bình và Ban Chỉ huy quân sự thành phố đã đề xuất với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện tiếp tục rà soát, tìm kiếm số vật liệu nổ vẫn còn tồn sót tại khu vực nêu trên.
Khu vực sát bờ sông Đà thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình là nơi thực dân Pháp đóng quân, lập đồn chốt khi xưa.
Nơi đây từng diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng Việt Minh với thực dân Pháp và tay sai.
Ước tính hiện số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Do đó, để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực.
Dự kiến, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ xây dựng hoàn chỉnh Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn để trình Chính phủ ban hành làm cơ sở xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 7/2023./.
Nguồn bài viết : 2 điểm duy nhất (MB)