Thống kê tập trung

Thanh niên và việc phòng bị thông tin xấu, độc trên không gian mạng

2024-12-21 12:50:12

Để góp phần hạn chế những tác động tiêu cực ấy, trong bài viết này, tác giả bàn về trách nhiệm của thanh niên nói riêng, người sử dụng mạng xã hội nói chung trong việc đấu tranh chống phát tán các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Bài viết chỉ ra rằng, trước tiên, người dùng mạng xã hội cần trang bị cho mình những nhận thức cơ bản về thông tin xấu độc, những kỹ năng cần thiết để nhận diện những thông tin xấu độc, từ đó những người sử dụng Internet sẽ có được sức đề kháng trước những thông tin sai lệch, giả mạo, luận điệu xuyên tạc, kích động, góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Mở đầu

Từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự ra đời của công nghệ mạng Internet, truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Các thuật toán cho phép các nền tảng truyền thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau (diễn đàn, nhóm, hội công khai, riêng tư hoặc bí mật…) có thể thu hút từ hàng nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều mặt trái, tạo ra những hệ lụy khôn lường đối với con người, xã hội.

Ở Việt Nam, các mạng xã hội, đặc biệt là facebook, mới xuất hiện không lâu nhưng đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ dành thời gian trên mạng xã hội, đến mức mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của mỗi người. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận một thực tế là chúng ta cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này.

Cần luôn trau dồi kỹ năng để tự phòng ngừa thông tin độc hại trên Internet

Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, trong khi thể hiện các quyền tự do của mình trên không gian mạng, lại không ý thức được hậu quả của những hành động mà mình làm, không chỉ đối với bản thân, mà còn đối với những người xung quanh. Đôi khi, dẫu có biết hậu quả của những hành vi đó gây ra cho cộng đồng là nghiêm trọng, họ cũng bất chấp để thoả mãn cái tự do cá nhân, lợi ích cá nhân của bản thân họ. Và rồi dù muốn hay không, chính những xu hướng ấy một phần khiến cho lối sống của không ít giới trẻ hiện nay trở nên lệch lạc. Thật không khó để dẫn chứng về những hành vi phản cảm trên mạng xã hội nhưng lại được đông đảo giới trẻ Việt Nam hiện nay cổ suý, chẳng hạn như: Một dân giang hồ Khá Bảnh ngông cuồng, quay clip đốt xe, văng tục trên mạng xã hội… nhằm câu view, tăng tương tác cho trang mạng của mình, thế nhưng lại trở thành hiện tượng mà rất nhiều thanh, thiếu niên bắt chước. Các streamer, với tư cách là những người bình luận game, thường xuyên dùng những ngôn từ tục tĩu để bình luận, đánh giá về game, thế nhưng lại thu hút được sự chú ý theo dõi của rất nhiều người, trong đó đa phần là các em còn đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Mỗi hành vi của mỗi người trong xã hội đều có thể ảnh hưởng tới người khác và việc các em học sinh, sinh viên thường xuyên theo dõi những video như thế này khiến cho ngôn ngữ của chính các em bị vấy bẩn, nhiều em coi việc chửi bậy là bình thường. Trong bối cảnh xã hội văn minh, người ta kêu gọi và hướng đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ của con người, thì Hưng Vlog lại quay clip nấu cháo gà nguyên lông để tung lên mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều youtuber với danh nghĩa quảng bá văn hoá ẩm thực đa dạng của các vùng miền đã tung ra những clip ăn sống rết, bọ xít, cá… khi vừa bắt được hoặc ăn sống nội tạng động vật với nhung nhúc dòi… Và còn rất nhiều những ví dụ khác nữa cho thấy, nhiều người nghĩ rằng, cứ đi ngược lại với sự tiến hoá và văn minh là sáng tạo. Số lượng video stream có lời lẽ văng tục, chửi thề, vượt quá ngưỡng của tự do ngôn luận, những video với hình ảnh phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, không chỉ khiến cho Việt Nam bị đánh giá là nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng mà nó còn chứng tỏ rằng tình trạng tự do vô trách nhiệm của giới trẻ đang ngày càng gia tăng.

Tác động tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng của mạng xã hội là việc kẻ xấu lợi dụng diễn đàn mạng xã hội, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người dùng mạng xã hội để lan truyền thông tin giả, tin xấu độc nhằm xuyên tạc sự thật, kích động bạo lực, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe doạ an ninh quốc gia… Một bộ phận không nhỏ người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin gây sốc, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô tình, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, nên họ không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Chính vì vậy, đôi khi họ vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Để những nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, những thông tin xấu độc… không bị phát tán tràn lan trên không gian mạng thì việc quản lý nội dung thông tin là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, việc kiểm duyệt, quản lý các thông tin này gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, với số lượng máy móc và con người hiện tại thì không thể đáp ứng xuể việc rà soát và quản lý khối lượng khổng lồ các thông tin, video, hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội mỗi giây. Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chỉ cần có kết nối mạng, các đối tượng có thể đăng tải lên không gian mạng bất kỳ thông tin gì mà không chịu sự kiểm duyệt. Ngoài ra, lợi dụng tính năng chia sẻ của mạng xã hội, các đối tượng sẽ phát tán thông tin tức thời tới rất nhiều hội nhóm, trong đó có các hội nhóm có hàng chục nghìn thành viên. Điều đó khiến cho việc kiểm soát, ngăn chặn các thông tin giả gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với các đối tượng phát tán thông tin xấu độc trên không gian mạng cũng chưa đủ sức răn đe, nên những hiện tượng tiêu cực này vẫn gia tăng từng ngày. Trong bối cảnh ấy, việc mong đợi sự quản lý hiệu quả hơn từ phía các cơ quan chức năng là chưa đủ, mà mỗi người cần trở thành người sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, để không tổn hại tới bản thân cũng như cộng đồng.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về trách nhiệm của thanh niên nói riêng, người sử dụng mạng xã hội nói chung trong việc đấu tranh chống phát tán các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Bài viết chỉ ra rằng, trước tiên, người dùng mạng xã hội cần trang bị cho mình những nhận thức cơ bản về thông tin xấu độc, những kỹ năng cần thiết để nhận diện những thông tin xấu độc, từ đó những người sử dụng Internet sẽ có được sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, kích động, góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Nhận thức chung về thông tin xấu độc trên không gian mạng

Một số dạng thông tin xấu độc phổ biến đang được lưu hành trên không gian mạng hiện nay gồm có:

Một là, những thông tin tuyên truyền phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Hai là, các thông tin bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt hòng gây mất lòng tin của nhân dân vào phẩm chất, uy tín, năng lực lãnh đạo của những người lãnh đạo cấp cao trong Đảng, Nhà nước.

Ba là, các thông tin kích động, hướng dẫn quần chúng nhân dân biểu tình chống phá Đảng và Nhà nước, gây rối an ninh trật tự. Các đối tượng phản động tập trung khai thác những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của người dân để kêu gọi dân chúng biểu tình, gây sức ép đối với chính quyền. Thông qua mạng Internet, khoảng chục năm trở lại đây, các đối tượng đã kích động hàng trăm cuộc tụ tập đông người trong cả nước, có những vụ lôi kéo được hàng ngàn người tham gia gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như uy tín của Việt Nam. Gần đây nhất, thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, chúng hướng vào kêu gọi công nhân đình công tập thể tại một số khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài như: hàng trăm công nhân tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đình công ngày 03/02/2020; ngày 17/02/2020, vài trăm công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam đình công, căng biểu ngữ trước cổng công ty để phản đối chuyên gia người Trung Quốc quay trở lại làm việc…

Bốn là, các thông tin tuyên truyền tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình ban hành chủ trương, chính sách của Đảng.

Năm là, tuyên truyền các nội dung tác động đến quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta theo hướng có lợi cho hoạt động chống phá.

Sáu là, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi ủng hộ, can thiệp đòi trả tự do cho các đối tượng chống đối bị các cơ quan chức năng bắt giữ.

Bảy là, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động hận thù giữa các tôn giáo với Đảng, Nhà nước Việt Nam…

Tám là, lừa đảo trên mạng nhờ đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus… Điển hình như đầu tháng 4/2020, phát hiện hoạt động mạo danh giao diện Cổng thông tin điện tử Bộ Công an sử dụng tên miền “024113vn.com”. Trang mạng mạo danh này có máy chủ đặt tại nước ngoài, thiết kế giao diện giống với trang mạng chính thức của Bộ Công an nhằm mục đích đánh lừa người dùng đăng nhập, khai báo tài khoản, thông tin cá nhân để thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt dữ liệu thông tin. Gần đây nhất, tin tặc nước ngoài đã lợi dụng thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 để tán phát mã độc đính kèm thư điện tử giả mạo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh.

Chín là, những phát ngôn, hình ảnh, clip… phản cảm, cổ suý lối sống lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục…

Hệ luỵ của các thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống, niềm tin, đạo đức, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, mất bản sắc dân tộc… Các thế lực thù địch, các đối tượng phản động lại thường xuyên sử dụng các phương thức, thủ đoạn rất đa dạng, tinh vi để tán phát các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Chính vì vậy, người dùng mạng Internet nói chung, các mạng xã hội nói riêng cần trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết để nhận diện và xử lý phù hợp đối với các thông tin này, để vừa không ảnh hưởng xấu tới bản thân, vừa không vô tình tiếp tay cho các hành vi phạm tội, chống phá Đảng, Nhà nước.

Kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc trên không gian mạng

Khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, trước hết cần phải kiểm tra, đánh giá thông tin:

- Xem xét các tiêu đề: Để thu hút sự quan tâm của người dùng mạng xã hội, những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, gây tò mò, gây sốc.

- Chú ý tới các đường dẫn liên kết: Đây là dấu hiệu rất quan trọng cảnh báo về thông tin giả, thông tin xấu độc. Các đường dẫn tới trang web giả mạo thường trông gần giống với địa chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống.

- Kiểm chứng cơ sở nguồn tin: Xem các thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng thì cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Đồng thời, cần kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin: thông thường, nguồn phát của thông tin xấu độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta nên sử dụng các công cụ để tìm kiếm các bài viết trên các trang mạng chính thống (Thông tin Chính phủ, Báo Nhân dân…) có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

- Đánh giá về hình thức, nội dung: Tin tức xấu độc hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, thay đổi nội dung, thay đổi ngày tháng của sự kiện…

- Kiểm tra hình ảnh, video: các hình ảnh, video trong thông tin xấu độc thường bị chỉnh sửa, cắt ghép. Đôi khi các bức ảnh được các đối tượng cố tình đưa ra khỏi bối cảnh gốc, gây nhầm lẫn, lầm tưởng cho người xem. Do vậy, chúng ta cần sử dụng tính năng tìm kiếm hình ảnh, đối chiếu với nguồn ảnh gốc (nếu có), xác định thời gian khởi tạo, dung lượng, kích thước ảnh… để đối chiếu với các thông tin đối tượng đưa ra.

Khi đánh giá được các thông tin được phát tán trên không gian mạng là xấu độc hoặc không đáng tin cậy, chúng ta cần có những cách thức xử lý như sau:

Thứ nhất, không chia sẻ các nguồn tin khi chưa được kiểm chứng, đánh giá. Tuyệt đối không chia sẻ, tương tác, bình luận đối với các bài viết đăng tải các thông tin xấu độc.

Thứ hai, tham gia vào chiến dịch truyền thông thông qua việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video, phóng sự đấu tranh vạch mặt âm mưu, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch, các đối tượng có hoạt động chống phá trên mạng xã hội.

Kết luận

Giới trẻ Việt Nam hiện nay là bộ phận đông đảo sử dụng mạng xã hội. Trong số họ lại có rất nhiều cá nhân thiếu hiểu biết về văn hoá, lịch sử, tình hình kinh tế, an ninh, chính trị… của đất nước; thiếu kỹ năng để đánh giá độ tin cậy của các thông tin được đăng tải trên không gian mạng; thường bị thu hút bởi các thông tin gây sốc, trái chiều… Vì vậy, họ trở thành đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng để phát tán các thông tin giả mạo, thông tin xấu độc. Những thông tin này tác động tiêu cực tới chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước. Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động đấu tranh tích cực của các cơ quan chức năng nhằm vạch trần phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử xấu lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin giả mạo, tin xấu độc, thì những người sử dụng mạng xã hội nói chung, giới trẻ Việt Nam nói riêng cần nâng cao nhận thức về các thông tin xấu độc, trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết để nhận diện thông tin xấu độc và có cách thức xử lý phù hợp khi tiếp cận các nguồn thông tin, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

ThS. Hà Văn Bắc – TS. Nguyễn Thị Như

Top