Đại diện ngân hàng, ví điện tử đồng loạt kiến nghị nới lỏng quy định về hạn mức giao dịch hàng tháng

2025-01-17 19:23:13
ictnews Đại diện ngân hàng, ví điện tử cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử đã đề nghị nới lỏng quy định về hạn mức tiền giao dịch qua ví điện tử mà Dự thảo sửa đổi thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Chuyên gia kinh tế của BIDV Cấn Văn Lực.

Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VCCI tổ chức vào 10/5/2019 tại Hà Nội, đại diện của các ngân hàng, ví điện tử và các khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử đã đề nghị nới lỏng quy định về hạn mức giao dịch qua ví điện tử mà Dự thảo thông tư đặt ra.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, Dự thảo thông tư có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử trong đó đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch

Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện có nhiều ý kiến lo lắng về quy định hạn mức giao dịch của ví điện tử. Nhưng việc đưa ra hạn mức này được dựa trên hoạt động thực tiễn của các ví điện tử trong thời gian qua.

Tính đến năm 2018 cả nước có 27 đơn vị trung gian thanh toán, năm 2019 tăng lên có 29 đơn vị. Nói về đóng góp của ví điện tử vào thị trường thanh toán điện tử, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Kỳ vọng vào ví thì rất lớn, nhưng thực tế ví đóng góp chưa được bao nhiêu. Cụ thể các chỉ số giao dịch qua ví điện tử còn rất thấp. Số dư bình quân trên ví chỉ trên dưới 100.000 đồng. Doanh nghiệp hoạt động ví lớn nhất cả năm có khoảng 60 triệu giao dịch, giá trị giao dịch bình quân lớn nhất 5 triệu đồng. Cá biệt có công ty rất lớn nhưng mức giao dịch bình quân của ví rất thấp chỉ xoay quanh 200.000 đồng, thực tế trong 5 năm qua thì giao dịch ví chiếm tỷ trọng rất nhỏ”.

Cũng theo ông Dũng, tất cả các đề xuất trong dự thảo thông tư sửa đổi đều căn cứ trên hoạt động thực tiễn của ví điện tử và phù hợp với yêu cầu của thị trường. “Mức giới hạn cá nhân giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng mọi người không nên quá lo lắng, bởi số liệu bình quân chỉ có 5 triệu đồng, rất hiếm có người nào giao dịch qua ví 100 triệu đồng”, ông Dũng nói.

Việc giới hạn giao dịch 100 triệu đồng cũng nhằm tránh những trường hợp mua bán kinh doanh rồi sử dụng ví điện tử để che giấu mục đích khác. Nguyên tắc hoạt động của ví điện tử là số tiền giao dịch luôn luôn phải được ngân hàng đảm bảo, tiền ở ví điện tử là tiền của dân. Giả sử doanh nghiệp ví điện tử đóng cửa hoặc thua lỗ, số tiền của dân vẫn luôn được đảm bảo.

Liên quan đến dự thảo về hạn mức giao dịch, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thị trường của BIDV không có ý kiến về giới hạn giao dịch 20 triệu đồng/ngày nhưng với hạn mức 100 triệu đồng/tháng cần phải cân nhắc lại. Bởi vì mức chi tiêu tiêu dùng trong mấy năm qua tăng khá nhanh, nếu trong 1 tháng chi tiêu 6-7 lần, mỗi lần 20 triệu đồng sẽ bị chặn như vậy là kìm hãm thanh toán điện tử. Theo ông Cấn Văn Lực, nên cân nhắc nâng hạn mức lên 150 - 200 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Giám đốc MoMo cũng đề xuất tăng hạn mức lên 200 triệu đồng để chuẩn bị cho tương lai, vì thị trường thanh toán điện tử đang tăng trưởng rất nhanh. Hàng ngày đã có những giao dịch tới 20 triệu đồng và năm 2018 số lượng giao dịch qua ví tăng khá mạnh, trong một vài năm tới thì chưa biết sẽ tăng trưởng thế nào.

Đối với hạn mức giao dịch với ví điện tử của doanh nghiệp, đại diện MoMo đề nghị không nên áp dụng. Ông Nguyễn Bá Diệp cho hay, hiện Momo làm nhiều dịch vụ chi trả với các đối tác là ngân hàng và doanh nghiệp. Có những đơn vị mỗi tháng họ chi hàng chục ngàn giao dịch cho nhân viên và các đại lý. Do đó, Momo đề nghị không áp dụng hạn mức với doanh nghiệp, vì nhiều công ty lớn thanh toán qua ví điện tử cho đại lý hay nhân viên thì sẽ vượt hạn mức giao dịch 500 triệu đồng mỗi tháng.

Đại diện các ví điện tử ZaloPay, FPT Pay, Moca, Payoo và VinID cũng có ý kiến đóng góp về việc nới lỏng quy định giới hạn về hạn mức thanh toán qua ví điện tử.

Nguồn bài viết : Bóng đá Châu Âu

Top