Chiều 18/11, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã trực tiếp đến làm việc với UBND thành phố Nha Trang và các ngành chức năng của tỉnh, chỉ đạo triển khai các công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn kéo dài từ tối 17 đến sáng 18/11, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương này.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang, áp thấp nhiệt đới do bão số 8 suy yếu, đã gây trận mưa lớn và kéo dài từ tối ngày 17 đến sáng 18/11, với tổng lượng mưa 380mm, trong đó chỉ trong 3 giờ (từ 6 giờ đến 9 giờ sáng 18/11, lượng mưa đo được lên đến 235mm), đã khiến hệ thống thoát nước của thành phố không đáp ứng, gây ngập nhiều nơi; đồng thời nhiều điểm dân cư xảy ra sạt lở, hư hỏng công trình, khiến 12 người chết, 6 người bị thương và 2 người đang mất tích.
Các điểm sạt lở này xảy ra tại các phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa và xã Phước Đồng, khiến hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, đè chết người. Riêng tại phường Vĩnh Hòa, hồ chứa nước khu đô thị Hoàng Phú bị vỡ đã khiến 3 người tử vong, trong đó có 2 trẻ em và hiện vẫn chưa xác định được tên tuổi. Còn tại xã Phước Đồng, vụ sạt lở đất phía sau chùa Tâm Tỳ Ni đã khiến 5 người chết và 1 người bị thương.
Ngay trong sáng nay, thành phố Nha Trang đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Không quân, Học viện Hải quân… cùng với các ngành chức năng của tỉnh và thành phố triển công tác ứng cứu tại các điểm sạt lở, tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích và đưa người bị thương đi cấp cứu. Đồng thời thành phố Nha Trang đã di dời khẩn cấp 250 hộ với 1.400 nhân khẩu tại khu vực chùa Lâm Tỳ Ni đến nơi an toàn tránh trú.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ (có trụ sở tại thành phố Nha Trang) cho biết lượng mưa quá lớn, vượt ngoài dự báo của các cơ quan dự báo thời tiết, khiến tình hình diễn biến xấu. Hiện nay, một áp thấp nhiệt đới mới đang hình thành ở ngoài khơi Philippines, với dự báo sẽ vào Biển Đông và có thể mạnh lên thành cơn bão số 9, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong vòng một tuần tới, Khánh Hòa cần chủ động phòng tránh.
Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh: Hầu hết các điểm xảy ra sạt lở là những địa điểm xung yếu, khi xảy ra sự cố dễ bị chia cắt, gây khó khăn cho việc ứng cứu, hỗ trợ. Do đó, ngay từ 16 giờ chiều nay, thành phố Nha Trang cần rà soát, di dời toàn bộ các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn tránh trú. Đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo cho toàn bộ học nghỉ học trong ngày mai (19/11).
Thành phố Nha Trang và các ngành chức năng cần tiếp tục tiến hành các biện pháp hỗ trợ, ứng cứu cho người dân vùng bị nạn; sớm triển khai thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các gia đình có người thiệt mạng hoặc mất tích, những người thị thương đang điều trị tại bệnh viện. Thành phố Nha Trang cũng cần sớm tiến hành thống kê thiệt hại của dân để việc hỗ trợ của nhà nước được đảm bảo kịp thời, công bằng và chính xác.
Đối với các xã, phường chậm trễ công tác này, Bí thư và Chủ tịch UBND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ngành y tế cần phải điều động xe cấp cứu đến túc trực tại các điểm xảy ra sự cố để nhanh chóng xử lý các vấn đề y tế liên quan…
Trong một diễn biến khác, để điều tiết hồ chứa nước Suối Dầu thuộc địa bàn huyện Cam Lâm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đã ra thông báo sẽ xả lũ ngay từ 13 giờ ngày 18/11 đến hết ngày 23/11, với lưu lượng tối đa ban ngày 200m3/giây và 70m3/giây vào ban đêm. Trong đó, vùng hạ lưu là các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh và thành phố Nha Trang cần có biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn.
Nguồn bài viết : Bầu Cua